Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của cả nước
Tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển đô thị Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của Chương trình là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị toàn tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2025, trong đó, TP. Nha Trang là hạt nhân phát triển; xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm du lịch tầm quốc tế; tỷ lệ lấp đầy cao tại các khu đô thị mới; áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản lý đô thị.
Lộ trình đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 60%; TP.Nha Trang là đô thị loại I; TP.Cam Ranh là đô thị loại III; các thị xã Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh là đô thị loại IV (thành lập thị xã Diên Khánh trên cơ sở huyện Diên Khánh và thị xã Vạn Ninh trên cơ sở huyện Vạn Ninh); thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) và thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) là đô thị loại IV; các thị trấn Đại Lãnh (thị xã Vạn Ninh), Ninh Xuân (huyện mới Tân Định), Suối Tân, Cam Đức (huyện Cam Lâm), Trường Sa (huyện Trường Sa), Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh là đô thị loại V.
Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 65%, toàn tỉnh Khánh Hòa là đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó: TP. Nha Trang được chia tách thành 3 quận nội thành; TP. Cam Ranh là đô thị loại II; các thị xã Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh là đô thị loại IV; các thị trấn Tô Hạp, Khánh Vĩnh, Cam Đức là đô thị loại IV; các thị trấn còn lại thuộc đô thị loại V. Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 70%. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 76.549 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và ngoài ngân sách.
Khánh Hòa là một tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có vùng biển đảo rộng lớn với hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ. Khánh Hòa có nguồn lao động dồi dào, dân số 1.174.100 người (năm 2011), là một trong 10 tỉnh của cả nước có số lượng trí thức lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ và hơn 20.500 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên 200 cán bộ có trình độ trên đại học. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm trên 25%.
Với ba khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, phía Nam là vịnh Cam Ranh, có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng – an ninh và phát triển kinh tế. Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh nằm ở trung tâm bán đảo Cam Ranh, là một trong số ít sân bay có đường băng lớn và dài ở Việt Nam hiện nay, sắp tới sẽ được đầu tư xây dựng nâng cấp để trở thành sân bay quốc tế. Đồng thời có cảng Ba Ngòi sau khi được nâng cấp mở rộng sẽ là một trong những cảng quan trọng trong hệ thống cảng biển của vùng Nam Trung bộ, tạo điều kiện thụân lợi để phát triển giao thương giữa Khánh Hòa với các vùng trong nước và quốc tế.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh
Lợi thế vịnh Nha Trang, được công nhận là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới cùng nhiều ưu đãi cả về vị trí, cảnh quan, khí hậu, cùng với nền tảng về lịch sử, nhân văn của mình, Nha Trang – Khánh Hòa có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng.
Bên cạnh đó do nằm trên trục giao thông Bắc Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là cửa ngõ lên Tây Nguyên và là tỉnh có nhiều vịnh, cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam. Công trình đường hầm qua Đèo Cả (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017), tuyến đường sắt nối từ Tây Nguyên qua Phú Yên xuống Vân Phong, nâng cấp sân bay Đông Tác – Phú Yên và sân bay Cam Ranh để khai thác lợi thế của vịnh Vân Phong và phục vụ cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong.
Vịnh Nha Trang – 1 trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới
Định hướng phát triển giao thông vận tải Khánh Hòa được xác định tận dụng lợi thế của 3 vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh nằm trên trục đường hàng hải quốc tế Nam – Bắc Á, để đầu tư xây dựng cảng biển, khai thác hoạt động dịch vụ hàng hải, phát triển công nghiệp tàu thủy… Ðồng thời đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn để giải quyết tốt nhiệm vụ luân chuyển hàng hóa của vùng ven biển.
Hiện Khánh Hòa đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước với chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng qua các năm và đạt trên 110,5 nghìn tỷ đồng trong 5 năm 2011 – 2015, tăng gấp 2, 3 lần so giai đoạn 2005 – 2010. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP bình quân đạt 42,69%. Nguồn vốn ngân sách đã tập trung đầu tư theo 4 chương trình phát triển kinh tế – xã hội, triển khai các công trình trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển trong thời gian tới, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Huy động vốn đầu tư theo hình thức BT và sử dụng vốn ODA để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng có tác dụng lan tỏa, có tính liên kết vùng nhằm đẩy mạnh quá trình đô thị hóa của tỉnh.
Một trong những đề án quy hoạch mới nhất được đưa ra
Nhiều năm qua, Khánh Hòa được biết tới không chỉ là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch và các ngành kinh tế biển mà Khánh Hòa cũng là địa phương có tốc độ phát triển về công nghiệp khá. Trong đó, công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng hợp lý, giữ vị trí chủ lực. Với lợi thế du lịch, hàng năm tổng thu từ du lịch đều tăng từ 15 – 25%, tổng lượng du khách đến Khánh Hòa giai đoạn 2010 – 2015 gần 15 triệu lượt người. Trong đó khách quốc tến hơn 3,5 triệu lượt người, doanh thu du lịch đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Các loại hình, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nâng cao chất lượng.
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh đã thu hút 93 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư (trong đó 45 dự án thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong). Tỉnh hiện đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực này, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và có các chính sách ưu đãi đầu tư cho từng khu vực.
Với những nỗ lực xây dựng phát triển, Khánh Hòa đã có một số cơ sở hạ tầng nhất định, tuy nhiên để vươn tới đích đến là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa cần giám sát chặt làm cho bộ mặt đô thị phát triển theo định hướng quy hoạch. Đồng thời cần chấn chỉnh lại để cuộc sống người dân tốt hơn, du khách thoải mái hơn khi đến với vịnh Nha Trang đẹp nhất thế giới.
Nguồn: Internet