Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập theo định hướng của Chính phủ. Ba đặc khu này kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới trong phát triển kinh tế nói chung, đồng thời còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tại các đặc khu kinh tế nói trên, nhiều nhà đầu tư nội và ngoại đang xúc tiến triển khai các dự án BĐS lớn. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, cần đảm bảo tính vượt trội hơn nữa đối với những ưu đãi cho lĩnh vực này thì mới thực sự thu hút được các nhà đầu tư.
Lĩnh vực BĐS nhận nhiều ưu đãi
Trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, một trong những ngành nghề được ưu tiên tại đặc khu kinh tế Vân Đồn và Phú Quốc chính là lĩnh vực BĐS. Cụ thể, đặc khu kinh tế Vân Đồn được định hướng trở thành đô thị du lịch sinh thái biển – đảo chất lượng cao còn đặc khu kinh tế Phú Quốc định hướng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế. Riêng với đặc khu Bắc Vân Phong, dù định hướng chủ yếu phát triển về cảng biển nước sâu, dịch vụ logistics cảng biển quốc tế theo thế mạnh của khu vực này, nhưng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cũng là lĩnh vực được ưu tiên phát triển.
Đáng chú ý, những nhà đầu tư BĐS cũng nằm trong nhóm được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, thuế suất, thủ tục hải quan tại ba đặc khu kinh tế này. Đơn cử, thời hạn sử dụng đất cho các dự án trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tối đa là 70 năm. Những dự án có quy mô, tính chất đặc biệt thì Trưởng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ dựa trên đề nghị của nhà đầu tư và quy mô, tính chất của dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Với trường hợp này, thời hạn sử dụng đất tối đa có thể lên tới 99 năm. Ngoài ra, Nhà nước còn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời gian thuê đối với các dự án BĐS nghỉ dưỡng đảm bảo tiêu chí là các dự án khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên; du lịch văn hóa có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng, dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, vốn đầu tư tối thiểu là 44.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS đều cho rằng, nhờ sở hữu vị trí thuận lợi nên ba đặc khu kinh tế này sẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế nên sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi cho lĩnh vực kinh doanh BĐS tại các đặc khu còn tác động tích cực lên thị trường này.
Về phía doanh nghiệp, theo bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ tập đoàn FLC, mục tiêu của Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là đưa ra được các chính sách cạnh tranh, hấp dẫn nhất nhằm tạo sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng tạo ra một lực đẩy cho toàn bộ nền kinh tế.
Như vậy, rất cần có các quy định của dự thảo liên quan đến chính sách ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như quyền sở hữu nhà ở đối với các nhà đầu tư ngoại sắp tới có thể lên đến 99 năm, rồi những quy định về việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, quyền sử dụng đất, tiền thuê đất mặt nước… Tất cả những ưu đãi này hứa hẹn sẽ tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Bà Dung cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng những quy định đó được ban hành chắc chắn sẽ có những hiệu ứng tích cực đến thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng”.
Các đặc khu kinh tế với nhiều ưu đãi sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.
Các doanh nghiệp đều đã sẵn sàng
Thực tế cho thấy, nhiều phân khúc BĐS tại các thành phố lớn trong cả nước hiện đã chạm giai đoạn bão hòa sau một thời gian phát triển rầm rộ. Trong bối cảnh đó, các đặc khu kinh tế chẳng khác nào “miền đất mới” với BĐS, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng. Ngay sau khi Chính phủ thể hiện chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế, đã có nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới và trong nước thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới các đặc khu này.
Về vấn đề này, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh Trương Mạnh Hùng, cho biết: “Trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách cho đặc khu Vân Đồn, chúng tôi đã tiếp cận với nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế có tên tuổi trong lĩnh vực giải trí (như Las Vegas). Với việc Chính phủ cho phép xây dựng các resort chất luợng cao, quy mô lớn, trong thời gian qua chúng tôi tiếp xúc rất nhiều với các Tập đoàn lớn trên thế giới như Furama, Sheraton, Hilton… là những thuơng hiệu lớn mong muốn phát triển các resort đẳng cấp ở đặc khu kinh tế Vân Đồn”.
Ông Hùng cho biết thêm, thời gian qua, xu hướng đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng đang hình thành tại Quảng Ninh và một số địa phương khác như Nha Trang, Đà Nẵng. Trong đó, Vân Đồn được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Hơn nữa, sau khi đã đầu tư các dự án tại những địa điểm nổi tiếng như Hạ Long, hiện các tập đoàn BĐS lớn trong nước như Sun Group, Vin Group, FLC, Bim Group… đang chuyển hướng đầu tư vào Vân Đồn. Do đó, khi được nâng lên thành đặc khu kinh tế thì chắc chắn Vân Đồn sẽ là địa điểm thu hút các nhà đầu tư bắt tay vào triển khai dự án.
Từ những động thái của các doanh nghiệp BĐS trong nước, có thể thấy họ đã bắt đầu có những bước đi thích hợp để tiếp cận cơ hội tại các đặc khu kinh tế và đã sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại. Điều này cũng từng được ông Trần Đạo Đức, Phó TGĐ Tập đoàn CEO nhấn mạnh và cho rằng CEO cũng như nhiều doanh nghiệp nội khác tự tin hiểu về thị trường, về con người và tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam. Được biết, ngoài dự án lớn tại Phú Quốc, hiện CEO cũng đang nghiên cứu đầu tư một dự án tổ hợp nghỉ dưỡng tại Vân Đồn.
Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản nghỉ dưỡng thì việc có nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang bước đầu nghiên cứu đầu tư các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại ba đặc khu kinh tế, đặc biệt là Vân Đồn, Phú Quốc sẽ giúp bộ mặt của BĐS tại các khu vực kinh tế này có sự thay đổi, bứt phá, đồng thời tạo ra hiệu ứng lan toả cho toàn bộ thị trường BĐS nói chung. Ông Điệp khẳng định: “Những chính sách cởi mở được quy định tại Dự thảo luật sẽ tác động rất lớn tới thị trường BĐS, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Bất động sản nghỉ dưỡng tại ba đặc khu kinh tế sẽ có cơ hội phát triển vượt bậc, cùng với đó hy vọng chính sách cho những những loại hình căn hộ mới như condotel, officetel… được hoàn thiện dự kiến sẽ giúp thị trường có sự thay đổi lớn”.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, những ưu đãi đối với lĩnh vực BĐS tuy nhiều nhưng lại chưa đủ mạnh để tạo ra sức hút mãnh liệt. Chẳng hạn như, các doanh nghiệp đầu tư BĐS tại Hà Nội, Tp.HCM đang phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp ở mức 20%, con số này tại dự thảo Luật đặc khu là 17%. Mức chênh lệch 3% này được cho là không đáng kể. Hay về quy định thời hạn sở hữu nhà, hiện nay người nước ngoài được sở hữu nhà, quyền sở hữu đất đai tại Việt Nam lên tới 50 năm và còn được gia hạn thêm một nhiệm kỳ, nghĩa là tổng thời hạn sở hữu lên tới 99 năm. Còn tại Dự thảo Luật quy định người nước ngoài sở hữu nhà thì quyền sở hữu đất đai cũng trong khoảng từ 70 – 99 năm…
Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến cho rằng, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì Việt Nam vẫn đi sau trong việc xây dựng đặc khu kinh tế. Do đó, chính sách cho các đặc khu phải đảm bảo tính vượt trội, cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư, còn nếu không đảm bảo được yếu tố này thì rất khó có thể thu hút được đầu tư, nhất là với lĩnh vực BĐS.
Theo Seatimes